top of page

                           QUỐC TẾ         Cộng Sản Việt Nam         VIỆT NAM HẢI NGOẠI        Việt Nam Tự Do

Thượng Tướng Công An thảo luận với FBI về ông Nguyễn Hữu Chánh

Hà Tường Cát

[2007-2008] Hai công điện gởi về Washington DC, cách nhau hai tuần lễ hồi đầu năm 2008, từ Tổng Lãnh Sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh và Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội có những chi tiết liên quan đến tổ chức Chính Phủ Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh.

 

Công điện của Tòa Đại Sứ đề cập đến cuộc nói chuyện ở Hà Nội giữa giám đốc FBI và thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam, viết:

 

“Trong chuyến thăm ngắn ngủi đến Hà Nội ngày 30 tháng Giêng năm 2008, Giám Đốc FBI Robert S. Mueler III, đã đến Bộ Công An gặp Thứ Trưởng, Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng trong 45 phút. Ông Hưởng gọi cuộc thăm viếng của giám đốc FBI là một dấu mốc trong bước quan hệ thi hành luật pháp của cơ quan công lực giữa hai nước và cám ơn việc ông giám đốc có lời mời Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh sang thăm Hoa Kỳ.”

 

Cũng trong cuộc gặp này, Tướng Hưởng đã chính thức đề cập và nhắc nhở giám đốc FBI Mueller về trường hợp ông Nguyễn Hữu Chánh ở Hoa Kỳ.

 

Tướng Hưởng là nhân vật quan trọng của Bộ Công An, phụ trách các vấn đề tình báo và chống khủng bố và là người đối ngoại song phương cao cấp nhất về các vấn đề thi hành công lực. Ông Hưởng cũng tự coi mình là người kiến tạo việc mở rộng dần dần quan hệ hợp tác giữa các cơ quan công lực với Hoa Kỳ.

 

Sau những lời mở đầu có tính hài hước, Tướng Hưởng đồng ý rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ những đe dọa giống nhau của những tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu ma túy, tội phạm tin học và rửa tiền.

 

Ông Hưởng kể ra một cách khái quát nhiều trường hợp FBI và Bộ Công An Việt Nam đã hợp tác trong quá khứ và nêu lên những việc tiếp xúc với Cơ Quan Chống Ma Túy Hoa Kỳ (DEA), nhưng nhìn nhận rằng mối hợp tác song phương hiện nay vẫn còn ở mức độ trung bình.

 

Tướng Hưởng ca ngợi FBI như là một cơ quan dẫn đầu thế giới về thi hành công lực. Nhận định rằng phát triển kinh tế sẽ có thể khiến Việt Nam phải đương đầu thêm nhiều loại hoạt động tội phạm khác, và kết luận là đã đến lúc Việt Nam phải làm việc chặt chẽ hơn với FBI.

 

Giám đốc Mueller đồng ý về lợi ích và nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn. Ông đưa ra 3 gợi ý cụ thể: (1) Bộ Công An đồng ý gặp viên chức an ninh địa phương và toán tùy viên pháp lý mỗi tháng để trao đổi thông tin trong những vụ việc có lợi ích hỗ tương, và những thông tin này được chuyển theo hình thức ít trịnh trọng hơn là đòi hỏi hiện nay cho những thông báo ngoại giao. (2) Bộ Công An chấp thuận thêm việc huấn luyện do FBI đề nghị kể cả tu nghiệp ở học viện FBI; và (3) Bộ Trưởng Lê Hồng Anh chấp nhận lời mời qua thăm Hoa Kỳ vào một thời điểm thích hợp để trao đổi ý kiến về sự hợp tác toàn bộ trong các vấn đề thực thi pháp luật.

 

Tướng Hưởng nồng nhiệt trả lời hai đề nghị đầu và hứa sẽ đích thân trình bày với Bộ Trưởng Anh về đề nghị thứ ba. Về việc chia sẻ thông tin, ông Hưởng nhìn nhận hai nước đã thảo luận việc hợp tác sâu rộng thêm từ nhiều năm, nhưng thực tế rất ít những gì đã đạt được cho đến nay. Ông nói thêm là không cần phải giới hạn sự trao đổi thông tin trên căn bản lịch trình hàng tháng và nói rằng các viên chức công lực chính phủ Hoa Kỳ có thể đến Việt Nam không gặp cản trở gì và bất cứ khi nào có nhu cần khẩn cấp trao đổi thông tin. Ông cũng cho là hai phía nên tận dụng “kỹ thuật tin học” để đẩy nhanh việc liên lạc. Việt Nam hy vọng, qua các nhân viên công lực Hoa Kỳ, có thể truy cập vào kho dữ liệu tội phạm hình sự của FBI và phía Việt Nam có thể chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ.

 

Về ý kiến liên quan đến việc huấn luyện, Tướng Hưởng đồng ý với ông Mueller rằng mở rộng huấn luyện có thể khiến hai phía thông hiểu nhau hơn và tạo điều kiện cho sự hợp tác hiệu quả. “Việt Nam có một số kinh nghiệm chống tội phạm,” ông Hưởng nói, “nhưng chúng tôi biết rằng FBI có thể cung cấp nhiều khả năng.” Ông tiếp thêm là, Việt Nam hiện nay rất chú ý đến các chiến dịch hỗn hợp tạo điều kiện tại chỗ cho các viên chức Việt Nam, và “quý vị chỉ cần đưa chuyên viên từ Mỹ qua.”

 

Sau đó ông Hưởng cám ơn ông Mueller về những thông tin mà FBI chuyển qua tháng trước về cuộc điều tra vụ ông Nguyễn Hữu Chánh và những cộng sự viên tình nghi đặt bom các cơ sở ngoại giao Việt Nam.

 

Ông Hưởng đồng ý nhận định trước đó của Giám Đốc Mueller rằng: “Hoa Kỳ và Việt Nam không có cái nhìn giống nhau về tất cả mọi vấn đề, chẳng hạn như có những tổ chức mà Việt Nam coi như có đe dọa đến an ninh, nhưng Hoa Kỳ cho là ôn hòa.”

 

Ông Hưởng cho biết tiếp rằng một trong những nhóm như vậy là “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng.”

 

Ông Mueller giải thích rằng, “để Hoa Kỳ coi là tổ chức khủng bố, cần phải có những bằng chứng can dự vào hành động tội phạm và sự quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.”

 

Kết thúc cuộc nói chuyện, giám đốc FBI xác nhận Hoa Kỳ bằng lòng cứu xét những nhu cầu huấn luyện của Việt Nam và nhấn mạnh rằng Tham Tán Tư Pháp Laro Tan, thuộc văn phòng mới mở của FBI ở Phnom Penh, có thể đến thăm Việt Nam theo một lịch trình thường xuyên và có thể tham gia vào việc huấn luyện.

 

Ông Hưởng tuyên bố Bộ Công An đã quyết định “hướng” tới FBI chặt chẽ hơn là một ưu tiên, kêu gọi chú trọng đến những khía cạnh thực dụng của quan hệ song phương trong việc thi hành công lực và hoan nghênh cơ hội được nói chuyện trực tiếp với đối tác Mỹ.

 

Công điện đưa ra nhận xét: “Thông điệp của Thứ Trưởng Nguyễn Văn Hưởng rằng, Bộ Công An sẵn sàng tham gia thực thụ vào việc thường xuyên thông tin trao đổi, là rất minh bạch và được nhắc lại nhiều lần trong cuộc nói chuyện. Nhưng tầm mức của cam kết mới này trong cuộc đối thoại, sẽ còn phải được trắc nghiệm.”

 

 

Đề cập đến Chính Phủ Việt Nam Tự Do

 

Công điện của tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh gởi về Washington DC ngày 1 tháng 2 năm 2008, nói về trường hợp hai nhà đối lập ở Việt Nam có liên hệ với Chính Phủ Việt Nam Tự Do vừa bị kết án 6 năm tù.

 

Công điện viết: “Ngày 29 tháng Giêng năm 2008, Tòa Á Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh kết án hai nhà hoạt động dân chủ Trương Quốc Huy và Hàng Tấn Phát 6 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống phá chính quyền’ vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Huy là một thành viên của khối 8406, can tội phát truyền đơn kêu gọi dân chủ và phổ biến tin tức tiêu cực về vai trò của chính quyền trong những vụ tranh chấp đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.”

 

Công điện cho biết, “Báo cáo chính thức xác định là cả Huy và Phát đều nhận tiền của Chính Phủ Việt Nam Tự Do, một tổ chức đặt cơ sở ở Orange County, California, mà trên website của họ tuyên bố có sứ mạng ‘triệt bỏ chế độ độc tài Cộng Sản của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bằng diễn biến hòa bình, nhân đạo, thực tiễn và kiên trì’. Chính quyền Việt Nam coi Chính Phủ Việt Nam Tự Do, cùng với Việt Tân, là những tổ chức khủng bố và thông tấn xã nhà nước Việt Nam vẫn thường mô tả hai nhóm này là như vậy.”

 

Tường trình chính thức về phiên tòa trên báo Công An Nhân Dân nói rằng Chính Phủ Việt Nam Tự Do giao cho Phát $600 để phân phát những tờ giấy bạc trên có viết những khẩu hiện chống nhà nước Việt Nam, và cho Huy $200 để phổ biến 2,500 tờ truyền đơn hồi tháng Tư năm 2005. Bản luận tội nói Huy và Phát “phỉ báng” nhà nước Việt Nam về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo và lên án họ kích động dân chúng lật đổ chính quyền.

 

Tòa Tổng Lãnh Sự cho biết, “không có nguồn tin độc lập để xác định là Huy và Phát liên quan với tổ chức Chính Phủ Việt Nam Tự Do, nhưng tin rằng sự quy kết hai người vào tổ chức này giải thích lý do họ đã lãnh bản án nặng tới 6 năm tù như vậy. Năm ngoái, những nhà hoạt động chính trị bị kết án bằng Điều Luật 88 chỉ lãnh án từ 3 tới 5 năm tù và trước đó bản án của nhiều nhà hoạt động bị kết tội đã được giảm bớt.”

 

Bà mẹ của Huy dự phiên tòa nói là con bà là do Luật Sư Trần Vũ Hải đại diện, ông này đã được đọc đầy đủ hồ sơ vụ án và gặp Huy 6 lần trước khi ra tòa.

 

Mặc dầu bản tin của thông tấn xã Reuters nói Huy và Phát nhận tội, bà mẹ của Huy nói con bà tuyên bố mình vô tội và trong lời tự biện hộ đã ngang nhiên hỏi tòa là vì sao những thành viên Việt Tân cũng phổ biến thông tin cổ vũ dân chủ thì được than trong khi Huy làm giống như thế lại bị bỏ tù. [1]

 

Bà mẹ của Huy cho biết dự tính sẽ bảo con kháng án, dù là luật sư đã từ chối tiếp tục tham gia vụ việc này. Phí tổn pháp lý của Huy được trả bởi một thành viên Khối 8406, ông Nguyễn Chính Kết, một nhà đối lập nổi tiếng đã trốn ra nước ngoài với một trát tầm nã hãy còn chưa giải quyết ở Việt Nam.

 

Quá trình của Chính Phủ Việt Nam Tự Do

 

Công điện nhận xét, “Những liên hệ được coi là có giữa các bị can và Chính Phủ Việt nam Tự Do hầu như chắc chắn đã đóng một vai trò trong việc nhanh chóng đưa đến việc ban bố những bản án gắt gao. Trong khi Chính Phủ Việt Nam Tự Do công khai tuyên bố nhắm tới thay đổi chính trị ở Việt Nam bằng đường lối hòa bình. Có bằng chứng là những thành viên của họ đã âm mưu và tiến hành những vụ tấn công khủng bố các phái bộ ngoại giao Việt Nam ở Anh, Thái Lan, Cambodia và Philippines. Tháng 10 năm 2001, thành viên Võ Đức Văn bị bắt tại phi trường Orange County vì âm mưu nổ bom Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan.”

 

Tháng Mười Một năm 2006, Thương Nguyễn Cúc Foshee, một thành viên khác của Chính Phủ Việt Nam Tự Do, bị buộc tội khủng bố tại Việt Nam vì được coi là âm mưu chiếm một đài phát thanh địa phương và phát đi những thông điệp chống Cộng. Bà Foshee được phóng thích và trục xuất một tháng sau đó.

 

[1] Huy viện dẫn các đảng viên Việt Tân Leon Trương và Nguyễn Thị Thanh Vân, bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 11, 2007 vì phát truyền đơn tán trợ dân chủ, rồi được tha và tống xuất khoảng một tháng sau. Bốn người khác được coi là đảng viên Việt Tân bị bắt cùng ngày vẫn còn bị giam giữ.

Công điện:

 

 

bottom of page